Kiến trúc Đền thờ họ Mạc

Các lớp kiến trúc trung tâm đền thờ họ Mạc Hà Tiên: tiền đình và chính điện.

Phía trước đền thờ là hai ao sen, tương truyền do Mạc Thiên Tứ sai đào để chứa nước ngọt, cho nhân dân dùng, cho đến hôm nay, nó vẫn còn phát huy tác dụng. Ngôi đền, ngoài giá trị lịch sử, nó còn là một công trình có giá trị nghệ thuật cao, bởi cách bố trí hài hòa và lối chạm trổ tinh vi, sắc sảo. Cả đền thờ được bảo vệ bằng một tường rào dày bằng đá, rêu phong. Ngay cổng đền thờ họ Mạc[7], có đề tên Mạc Công miếu (莫公廟), hai bên có cặp liễn đối bằng chữ Hán ca ngợi họ Mạc:

一門忠義家聲重七葉藩翰国寵榮

Phiên âm:

Nhất môn trung nghĩa gia thanh trọngThất diệp phiên hàn quốc lũng vinh.

Tạm dịch:

Một nhà trung nghĩa danh thơm cả họ,Bảy lá giậu che, cả nước mến yêu[8]

Qua khỏi cổng là một con đường ngắn, hai bên trồng cây xanh, dẫn đến một tiểu đình rộng. Qua thêm một cổng nữa, mà hai bên có đôi sư tử đá uy nghi, là điện thờ chính và tả vu, hữu vu.Ngoài những hoành phi, liễn đối và tranh vẽ; tại điện thờ chính còn có một biển thờ đề bốn chữ "Khai Trấn Trụ Quốc" và bức hoành "Nghị Võ Công", đấy là lời tuyên dương của nhà Nguyễn trước sự nghiệp mở mang bờ cõi của dòng họ Mạc.[9]

Trong đền hiện còn lưu giữ bài văn tế "Mạc Lệnh Công Thánh đãn tế văn" do Tri phủ An Biên Nguyễn Hữu Lập[10] soạn năm 1847, bản nhật lịnh của Long Hổ tướng quân Trần Hầu. Đặc biệt, trên vách và cột điện thờ, hiện còn bài văn kêu gọi quyên tiền cất miếu cùng hai bài thi ca ngợi công đức Mạc Thiên Tứ của chí sĩ Nguyễn Thần Hiến, và bốn bài thơ luật Nôm trích trong "Hà Tiên thập vịnh" của Mạc Thiên Tứ...